Siêu Thị Bản Vẽ

Siêu Thị Bản Vẽ cho các em Sinh Viên và KTS trẻ

Thời gian gần đây chuỗi siêu thị bản vẽ ra đời làm cuộn lên một làn sóng cảm xúc đa chiều trong cộng đồng tư vấn thiết kế. Có bạn trẻ ở Đà Nẵng ngồi tâm sự với mình, chia sẻ mối quan ngại sâu sắc về những vấn đề  mà chuỗi siêu thị này có thể đặt ra cho giới tư vấn và tương lai của nghề tư vấn thiết kế tại Việt Nam. Trong đó có thể kể đến việc các em chán nản mất phương hướng, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, những thiệt hại mà những bộ hồ sơ 6T có thể gây ra cho chủ nhà….

Tóm lại là xoáy quanh những vấn đề nhức nhối mà giới xây dựng đang bàn tán. Đến hôm nay thì những sóng gió do sự kiện đó tạo nên, những bài viết sắc sảo và đầy đủ thông tin của các bậc đàn anh cũng đã được đưa ra, những bài viết theo thuyết âm mưu cũng đã góp mặt. Và có lẽ sự kiện đó cũng như viên đá sau khi tạo sóng thì đã chạm đáy và bèo đã liền kín mặt ao.

Vốn chậm chạp và không theo kịp những sự kiện hot như Nghiện Nhà hay Siêu thị bản vẽ, nên một bài viết thêm của mình về Siêu thị bản vẽ có lẽ cũng là thừa với giới thạo tin. Tuy nhiên, được nguồn cảm hứng từ buổi nói chuyện thú vị với cậu em, đứng từ góc nhìn đầy lo âu của các em sinh viên đang theo đuổi nghề này, mình sẽ giành bài viết này cho một số em sinh viên hoặc KTS trẻ nào đang cảm thấy bối rối, và trình bày lại qua 10 câu hội thoại. Định viết 500 từ nhưng nó bị thành 2671 từ, thỉnh thoảng có chỗ troll nên hơi nhột, ace có gì bỏ quá cho ạ.

1 -Anh nghĩ sao về STBV?

-Về mặt quan điểm chuyên môn, trước hết mình không phản đối Siêu Thị Bản Vẽ, đơn giản là Siêu thị bản vẽ chẳng có gì liên quan đến chuyên môn cả. Nó chỉ là cái siêu thị. Nếu nó có hàng tốt, mình có thể trở thành khách hàng. Thậm chí nếu mình có bản vẽ không bán được, mình sẽ gửi nó bán hộ. Việc KTS phản đối STBV thì giống như việc Panasonic phản đối Điện Máy Xanh, Sam Sung phản đối Thế Giới Di Động,  hoặc bà hàng xén phản đối Vinmart – tóm lại là không liên quan nên chẳng có lí do gì mà phản đối.

Mình cũng không dè bỉu cách kinh doanh đó. Một khi nhu cầu đã phát sinh ở thị trường ở bất kì dạng nào, người kinh doanh đều có quyền đáp ứng để kiếm lời miễn không vi phạm pháp luật. Trên thực tế, thị trường bộ hồ sơ xây dựng rẻ đã sôi động cách đây cả chục năm, khi với 3 triệu đã có thể có một  hồ sơ nhà đủ kiến trúc kết cấu điện nước. Siêu thị bản vẽ chỉ là một tiếng nói to và công khai của một hoạt động kinh doanh quay vòng tái chế hồ sơ đã diễn ra trong suốt nhiều năm qua.

2- Vậy còn về Quyền lợi người dùng –  Công trình không có KTS thì tai nạn ai chịu?

– Rõ ràng là chủ nhà phải chịu rồi. STBV không nhận là công ty tư vấn thiết kế, họ chỉ nhận là siêu thị bản vẽ. Vậy bạn đến mua bản vẽ tức là bạn tự đóng vai trò thiết kế cho ngôi nhà bạn, và người nào thiết kế, người đó chịu trách nhiệm. Thực tế có rất nhiều nhà xây lên còn không có bất kì một tờ bản vẽ nào chứ không nói đến bộ hồ sơ.

Có một số lượng lớn người dùng với  ngân sách hạn hẹp mà trước tới giờ họ chỉ được thợ xây vẽ bút bi nguệch ngoạc trên tờ ô ly nhàu nát, thợ cả bảo xây gì thì biết nấy. Vậy giờ họ có thêm lựa chọn thì họ nên tiếp tục để thợ xây tự tư vấn hay dùng hồ sơ đầy đủ? Rõ ràng STBV đáp ứng được cho họ khả năng tiếp cận với nhà có bản vẽ thiết kế

3- Bản vẽ 6T chắc chắn không có đầu tư, sẽ có chất lượng kém và không thể đẹp?

  • Muốn kết tội bản vẽ kém chất lượng phải có bằng chứng. Và bằng chứng đó phải được xét từng trường hợp cụ thể. Mọi lời buộc tội do suy diễn đều không tránh khỏi chủ quan. Nếu bạn đủ may mắn và thông minh, bạn sẽ vẫn chọn được bộ hồ sơ đẹp và phù hợp với nhà bạn. Cũng như bạn vào siêu thị giày second-hand đồng giá 200k/đôi. Bạn vớ đôi cỡ 45 bung mõm trong khi chân bạn cỡ 38 thì bạn đừng trách thằng bán giày chứ nhỉ. Tớ vẫn vớ được đôi 42 vừa chân và còn tốt chán, mỗi tội nó giống đôi giày NIKE hàng auth của thằng cha ở cách 2 dãy phố mua online hôm trước (mà nhìn hơi ghẻ hơn thôi). Đi chơi tối ai để ý.

4- Vậy còn bản sắc kiến trúc của xã hội?

–Đây  là trách nhiệm của cơ quan quản lý chứ không phải trách nhiệm của STBV. Nếu cơ quan quản lý vẫn làm tốt như từ trước đến nay họ vẫn làm thì những thiết kế xấu và kém bản sắc vẫn sẽ không có chỗ đứng ở đất này. Lúc đó STBV sẽ chỉ được cho ra đời những hồ sơ tốt thôi. Quá hay còn gì.

5- Với sự ra đời của STBV thì dân thiết kế sẽ còn có thể có đất kiếm ăn?

  • Thứ nhất, đừng lẫn giữa khái niệm thiết kế may đo và thiết kế may sẵn. Vấn đề là dân thiết kế lựa chọn trở thành nhà tạo mẫu/thợ may đo tự do/hay công nhân may sẵn trong nhà máy thôi. Khi bạn happy với lựa chọn của mình thì mọi việc đều ổn.
  • Thứ hai là STBV chỉ target một phân khúc hẹp trong một mảng hẹp của thị trường tư vấn thiết kế. Có nhiều mảng thiết kế mà STBV không thể đủ điều kiện để đáp ứng, trong khi sinh viên thiết kế được đào tạo chính quy, về mặt lý thuyết, đã được chuẩn bị để đáp ứng các mảng đó.
  • Điều đáng lo ở đây là người thiết kế ở VN vừa quá nhiều, vừa quá ít/vừa quá đắt, lại vừa quá rẻ.

Nhiều vì vừa rao lên FB một cái có hàng trăm cái inbox ngay. Ít vì khi chọn lọc thì đôi khi mất rất nhiều thời gian và tiền bạc mới tìm được KTS phù hợp. Đắt vì 6 triệu là cả một khoản lớn với một gia đình chỉ có 50Tr để xây nhà. Rẻ vì một hồ sơ 40T cho một cái nhà ống 60m2 DTXD cũng đã bị chê là đắt.  Trong khi ở ở một số nước phát triển, ở mảng nhà tư nhân, chỉ những cá nhân rất giàu và cầu kỳ mới có thể tự cho mình đặc quyền thuê KTS thiết kế riêng với giá rất cao.

Việc xiết chặt quản lý đô thị, chuẩn hóa hóa thiết kế kiến trúc và dùng đồ nội thất tự lắp đã trở thành một điều hết sức bình thường, cho người dùng ít lựa chọn về kiến trúc, nhưng đồng thời cho phép ai cũng có thể tự xây tổ ấm duyên dáng vừa đủ cho mình. Vậy STBV sẽ cho chủ nhà thêm một lựa chọn, và buộc các KTS đang thiết kế nhà ống với giá 40T phải vận động tiếp để thích nghi: một là phải đẩy giá thiết kế nhà ống của mình lên 200T, hai là gia nhập đội quân sản xuất hồ sơ 6T.

6- Em đào tạo 5 năm cực khổ ở trường chưa kể nợ môn 2 năm xong mới ra trường bị Siêu Thị bản vẽ cướp mất nguồn sống trong một nốt nhạc. Bây giờ em phải làm gì?

  • Mấy năm cực khổ ở trường đã có rất nhiều thời gian các em giành cho việc rèn luyện các kỹ năng lỗi thời. Cái đó không phải lỗi các em, mà do thời đại thay đổi quá nhanh. Cũng như một người thợ mộc lành nghề mất 30 năm mới thành tuyệt kỹ, giờ đây máy CNC 3 chiều đã cho các bác hít khói. Sorry bác thợ mộc và cả bác thợ rèn nữa, sorry nốt.

Hãy nhìn nhận tích cực như vậy đi: STBV cũng là 1 kiểu máy móc, cũng là để giảm các công việc chân tay giải phóng con người, giảm tầm quan trọng của kỹ năng thô, yêu cầu khắt khe hơn tới việc trí óc.…tăng năng suất, tiết kiệm thời gian, cắt giảm lao động dư thừa, buộc xã hội phải điều chỉnh nguồn lực con người theo các hướng phù hợp hơn.

  • Thực tế hơi phũ nhưng có rất nhiều em sinh viên đang học nghề thiết kế, mà lẽ ra không giành cho mình/ đó là tiếng chuông báo động về quan niệm méo mó trong việc chọn trường của chính các em khi không có được thông tin đầy đủ trước khi chọn trường. Các em cần tìm hiểu kỹ thông tin và chọn nghề phù hợp ngay từ cấp 3 hoặc cấp 2 nếu có thể. Hoặc nếu trót dại theo nghề thiết kế thì nhìn nhận lại cho phù hợp để thích nghi.
  • Ở góc nhìn 1 người đang dẫn dắt 1 văn phòng nhỏ, nếu so sánh giữa một kiến trúc sư mới ra trường với thiết kế do trí tuệ nhân tạo vẽ nên, tôi tin rằng máy móc sẽ hiệu quả hơn các em ở một số công việc nhất định.….Phần lớn các em đang hưởng mức lương thấp thậm chí không đủ kéo đến hết tháng và thi thoảng phải nhờ cậy gia đình cứu viện. Dù rất thông cảm với các em thì các văn phòng dù muốn cũng vẫn không giúp được các em, vì họ vẫn phải trả lương cho em khi em làm sai, làm chậm, sao nhãng kém hiệu quả. Lỗi các em một phần lớn, nhưng phần cũng do nếp giáo dục thụ động từ tiểu học đến đại học, khiến các em ảo giác rằng mình có quá nhiều thời gian, đủ để vui chơi hưởng thụ và trì hoãn việc học đến vô tận.

Các em đừng để tuổi trẻ trôi qua, làm việc như nô lệ, ăn mắng đến mụ mị cả người mà vẫn không thấy tiến bộ về nghề và về thu nhập, trong khi bạn em thì phấn đấu như điên và thăng tiến tằng tằng. Thời gian học hỏi còn rất ngắn, nếu các em không tỉnh táo thì sẽ để mình sao lãng bởi các việc không liên quan, rồi mãi không tích lũy đủ năng lực để lột xác từ người học việc thành nhà thiết kế, và mãi mãi kéo dài công việc sai vặt đến khi nản phải bỏ cuộc hoặc cam chịu nhìn sự lụi tàn của chính bản thân.

Vậy đừng kêu ca phàn nàn, cũng đừng cam chịu. Hãy đương đầu.

7- Siêu thị bản vẽ có phải mối lo lớn đối với việc mưu sinh của anh em freelancer hay không?

  • Vậy xin hỏi ngược lại là nhỡ trong vòng 5 năm nữa sẽ có App free thì sao? Viễn tưởng một chút: Các App thiết kế sẽ được tải miễn phí trên các App store, và được hỗ trợ bởi nguồn thông tin Big Data thu thập thông tin của chính bạn và gia đình. Nó cho phép bạn nhập thông tin về nhu cầu thiết kế, và sẽ cho ra thiết kế phù hợp với bạn và gia đình bạn hơn cả chính bạn có thể tưởng tượng ra. Thậm chí cho bạn hẳn hồ sơ chuẩn BIM.  App free sẽ đặt dấu chấm hết cho hệ thống siêu thị bản vẽ. Vậy thì anh em freelancer nghĩ sao?

8- Nếu ngày nào đó trí tuệ nhân tạo sẽ tiêu diệt siêu thị bản vẽ, Vậy kiến trúc sư sẽ bán cái gì?

  • KTS sẽ làm đúng việc của họ: cùng vạch ra những tầm nhìn, chia sẻ kinh nghiệm sống,  mang đến trải nghiệm mới cho người dùng. Xã hội sẽ không còn cần bỏ tiền mua những thiết kế vừa chuẩn vì đã có AI, đã có Ikea, JYSK, Pinterest…KTS sẽ phải học cách tiếp cận công việc một cách cẩn thận hơn, bớt sự tự tin quan liêu của một anh thợ lành nghề, thay vào đó sẽ phải thận trọng nhạy cảm hơn trong nghiên cứu để bán các trải nghiệm khác nhau cho khách hàng.  KTS sẽ biết lo lắng hơn với mỗi khởi đầu của một dự án, vì mỗi dự án là một khởi đầu mới hoàn toàn. Xã hội khi được cung ứng đầy đủ nhu cầu về thiết kế free, sẽ sẵn sàng trả tiền cho những thiết kế vượt chuẩn. Và khi đó người KTS mới được trả về đúng vị trí là một nghề dịch vụ cho xã hội: Khiêm nhường nhưng cao quí. Ví dụ: Nếu bạn cần một căn nhà bình thường, bạn có thể dùng app để tự thiết kế. Nhưng khi bạn muốn có một siêu biệt thự 5 sao, liệu bạn có tìm đến Siêu thị bản vẽ hoặc tìm bản vẽ free không?

9- Vậy việc đào tạo thì sao?

– Việc đào tạo cũng sẽ phải thay đổi cho phù hợp với thách thức của thời đại mới. Thực tế là việc đào tạo vẫn luôn thay đổi từ trước đến nay, có điều là bây giờ phải thay đổi với tốc độ nhanh hơn và đi theo hướng chuẩn xác hơn.

10 – Vậy thì STBV là điều tốt ư?

  • Không hẳn. Cái mình ngại là STBV sẽ là vật trung gian tiếp tay cho việc vi phạm nghiêm trọng đến quyền lợi khách hàng, những người đã bỏ tiền ra để có một thiết kế riêng, rồi một ngày đẹp trời tại một nơi nào đó họ sẽ gặp bản sao nhà họ, khiến cho họ tưởng mình đi lạc vào một thế giới song song. Nơi đó công trình, mà họ có thể đã bỏ ra vài tỷ để thiết kế và nhiều tỷ để thi công, được tái hiện ở một phiên bản ngân sách thấp khiến cho họ hoang mang mãi không thôi. Nhưng cái này thì là việc đã xảy ra ở nhiều lĩnh vực khác trong xã hội chứ không riêng gì lĩnh vực xây dựng.

 

Kien meditation
Suy tư  tự kỷ về Siêu thị bản vẽ tại biệt thự Libellule Đà Nẵng

 

Thay cho kết luận:

Việc STBV ra đời có thể làm các em giật mình và đó là cái giật mình tốt. Các em sẽ nhìn nhận lại sự nghiệp của mình nghiêm túc hơn và doanh nghiệp sẽ đỡ mệt mỏi hơn.  Sẽ tốt hơn nữa nếu nó làm các cơ sở đào tạo giật mình đủ để kịp tự điều chỉnh : Đào tạo ra lực lượng lao động về chất và lượng sao cho phù hợp với vận động của xã hội.

Chuỗi siêu thị bản vẽ ra đời sẽ không tồn tại lâu bởi thiếu giá trị lõi, nó sẽ dễ dàng bị thay thế bởi các dịch vụ khác rẻ, an toàn và hiệu quả hơn.  Tuy nhiên nhu cầu nhà có thiết kế free sẽ vẫn còn đó và sẽ là mảnh đất màu mỡ cho các doanh nghiệp nhạy bén.